Cập nhật: 21:39, 17/3/2018
1586 lượt đọc

Hiệu quả từ việc đưa trò chơi dân gian vào trường Tiểu học

Để thúc đẩy phong trào xây dựng trường học thân thiện, BGH có kế hoạch đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Đây là một chủ trương đúng đắn, duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc. Giáo dục học sinh nhiều đức tính tốt thông qua các trò chơi.

Rộn rã, háo hức đến giờ ra chơi không còn cảnh nhiều học sinh rượt đuổi nhau, nghịch phá hoặc chơi các trò “bạo lực” vào giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường rộn rã những nhóm nhảy lò cò, nhảy dây, đá cầu,… Mỗi giờ ra chơi giống như một ngày hội văn hóa dân gian với rất nhiều trò chơi từ dễ đến khó. Mỗi lớp diễn ra một trò chơi khác nhau. Cả cô và trò tuy thấm mệt nhưng đều rất vui.

Học sinh chơi nhảy dây

Trong hoàn cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, các đồ chơi bạo lực trên mạng thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh.

Trò chơi dân gian có một đặc điểm rất quan trọng là diễn ra ngoài trời, luôn gắn bó trẻ với môi trường tự nhiên, đưa các em hòa đồng với thiên nhiên, hòa đồng với mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành tố trong môi trường, giúp các em hiểu biết thiên nhiên sâu sắc, từ đó càng yêu quý thiên nhiên hơn.Các trò chơi như "Mèo đuổi chuột", "Bịt mắt bắt dê", "Thả đỉa ba ba", "Xỉa cá mè",...ít nhiều nói lên quan hệ sinh thái của các loài vật. Bên cạnh đó, trò chơi "Trồng nụ, trồng hoa" lại cho thấy phải phạt những ai chạm vào "nụ", "hoa". Điều đó có ý nghĩa giáo dục các em   bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Trò chơi “Trồng nụ, trồng hoa”

Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ qua trò chơi, trò chơi dân gian còn giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Khi các em chơi phải biết nhường nhịn nhau, không quá ăn thua để đánh mất tình bạn.

Hiện nay, ngoài giờ học, một số học sinh thường chơi game, nghe nhạc, xem ti vi... Có nhiều em quá mê game nên quên cả học, quên ăn uống. Ngồi chơi và xem ti vi lâu quá sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt và cột sống. Có em nhỏ tuổi đã bị béo phì vì ăn nhiều chất mà thiếu vận động, có em mới học lớp 1 đã đeo cặp kính cận dày, đi lệch vai, vẹo cột sống...Vì vậy trò chơi dân gian giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hoà đồng, thân thiện, đoàn kết... Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn. Qua đó ta thấy trò chơi dân gian là “món ăn tinh thần” giúp học sinh có nhiều hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường là một ngày vui, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa mang tính thể thao, trí tuệ trong các trò chơi dân gian.

Để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán tuổi thơ, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian,…Đối với trẻ thơ, trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hoá dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em. Tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian là phương tiện giúp các em phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, qua đó góp phần giáo dục các em về truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Trần Thị Nga/GV TH Trung Kiên-YL
Tin mới nhất
Đọc nhiều nhất
phần mềm tác nghiệp
Bản đồ vị trí
Liên kết website
Thống kê truy cập
Online: 1
Hôm nay: 4
Hôm qua:
Tháng này: 97
tháng trước: 136
Năm học 2023-2024 : 0

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN LẠC 

Địa chỉ: TT Yên Lạc - huyện Yên Lạc - tỉnh Vĩnh Phúc. Email: pgdyenlac@vinhphuc.edu.vn. 

Điện thoại: 0211.386.457 - Fax: 0211.357.639.

Trưởng ban Biên tập: Ông: Trần Minh Tuấn - ĐT: 0915170701; Email: trantuanpgdyl@gmail.com

Admin: Ông: Trần Việt Anh - ĐT 0983083577 or 0948794888; Email: cntt.yenlac.vinhphuc@moet.edu.vn

Bản quyền thuộc Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Lạc.

Ghi rõ nguồn: 'Cổng TTĐT Phòng GDĐT Yên Lạc' hoặc 'http://pgdyenlac.vinhphuc.edu.vn/' khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTĐT Phòng GDĐT Yên Lạc.